Như chúng ta đã biết, ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, theo đó lấy ngày 15 tháng 3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam; việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày này nhằm mục đích:
Thứ nhất, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước.
Thứ hai, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba, góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.
Thứ tư, nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
Để tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã sớm ban hành Kế hoạch số 515/KH-UBND 05/11/2024, theo đó:
- Chủ đề cho các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 là: “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm”; đồng thời, trong quá trình triển khai các hoạt động cần kết hợp, lồng ghép với các hoạt động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.
- Từ cuối năm 2024 đến đầu năm nay, các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức, trong đó tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các mùa mua sắm hoặc các ngày cao điểm mua sắm trên thị trường.
- Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2024 (tháng 11) được tập trung tổ chức trong tháng 3. Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp cần chủ động tổ chức các hoạt động hoặc lồng ghép, đưa vào hoạt động chuyên môn, hoạt động kinh doanh các nội dung nhằm tăng cường quyền lợi cho người tiêu dùng. Đặc biệt trong các ngày, đợt, mùa mua sắm cao điểm, cùng với việc tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy kinh doanh, các doanh nghiệp xây dựng các công cụ hữu hiệu để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người tiêu dùng; chủ động đưa trách nhiệm đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Các hoạt động hướng tới Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 cần xác định tổ chức thường xuyên, liên tục, tạo nền tảng, cơ sở cho các hoạt động trong tháng cao điểm (tháng 3) này để hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Các hoạt động trong Tháng cao điểm (tháng 3) hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 như sau:
- Treo băng rôn, khẩu hiệu, chạy chữ và thực hiện các hoạt động tuyên truyền phù hợp tại trụ sở cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trên các tuyến phố; trên giao diện của các sàn thương mại điện tử, trang thông tin điện tử, các cửa hàng hoặc các hình thức kinh doanh trực tuyến khác
- Các cơ quan báo chí, truyền thông, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thường xuyên đăng tải các tin, bài, chuyên mục và thực hiện các hoạt động tuyên truyền về Ngày Quyền của người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội; tổ chức các chương trình tư vấn, hỗ trợ và tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Tổ chức hội thảo, tập huấn theo chủ đề của năm; các hoạt động tuyên truyền, quảng bá pháp luật, kiến thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Xây dựng và phát hành các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền, cẩm nang phục vụ cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025.
- Khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức các hoạt động tri ân, nâng cao giá trị, quyền lợi người tiêu dùng; thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo cầu nối và sự tương tác giữa các bên.
- Triển khai chương trình khuyến mại, tri ân người tiêu dùng trên một số sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử, các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; hỗ trợ bảo hành sản phẩm, hỗ trợ, tư vấn sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn tiết kiệm, giảm giá, khuyến mãi và các hoạt động tri ân khác.
- Tổ chức ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng vì người tiêu dùng.
- Tuyên dương các doanh nghiệp có nhiều hoạt động hướng tới người tiêu dùng; các hoạt động khác phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế tại địa phương.
- Các cơ quan nhà nước tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, yêu cầu chính đáng của người tiêu dùng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ngành các cấp và của cộng đồng doanh nghiệp, hy vọng công tác bảo vệ lợi người tiêu dùng nói chung và việc triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày quyền người Việt Nam sẽ ngày càng hiệu quả hơn trong thực tế, hoạt động này không chỉ tập trung vào tháng cao điểm (tháng 3) mà được quan tâm trong suốt cả năm 2025.
Phụ lục: Một số nội dung tuyên truyền Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số /KH-UBND ngày / /2024)
- Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm.
- Thông tin chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng.
- An toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trực tuyến.
- Người tiêu dùng có quyền được cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin khi giao dịch.
- Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.
- Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.
- Xây dựng môi trường kinh doanh trực tuyến minh bạch, công bằng và an toàn cho người tiêu dùng.
- Đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất phát triển.
- Bảo vệ và xây dựng thương hiệu là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
- Tiêu dùng xanh, cùng sống lành.
- Không sản xuất và tiêu dùng sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.
- Tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ xanh để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
- Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững.
- Kinh doanh lành mạnh, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng.
- Người tiêu dùng có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường.
- 1800.6838 - Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng toàn quốc.
Ghi chú: Căn cứ tình hình thực tế các cơ quan, đơn vị, địa phương có thể bổ sung các nội dung, khẩu hiệu tuyên truyền phù hợp.
Nguyễn Thị Cẩm Thạch – TP Quản lý Thương mại